Blockchain và ứng dụng
Nhìn chung, khi nhắc đến blockchain, đa phần chúng ta sẽ liên tưởng ngay đến ứng dụng của nó trong lĩnh vực ngân hàng và giao dịch tài chính, chủ yếu là bởi vì blockchain mang những đặc tính như "phân cực" (quyền kiểm soát/điều hành được chia đều cho các bên tham gia - thuật ngữ tiếng Anh là decentralized ledger technology) và "cởi mở về thông tin" (các bên tham gia có khả năng quan sát quá trình giao dịch - tiếng Anh là transparency).
Nguồn: inspiraenterprise.com
Thế nhưng, bạn có biết là ngoài lĩnh vực tài chính, blockchain còn được dự đoán là sẽ gây ra ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực marketing - lĩnh vực mà dữ liệu về người dùng và khách hàng đóng một vai trò quan trọng. Để hiểu rõ hơn về tác động của blockchain đến với lĩnh vực marketing, trước hết chúng ta cần hiểu được định nghĩa của blockchain và các đặc tính của nó.
Blockchain là gì?
Như đã đề cập, điểm khiến cho blockchain trở thành loại hình công nghệ bứt phá chủ yếu nằm ở 2 đặc tính "phân cực" và "cởi mở về thông tin" của nó. Để hiểu rõ hơn về cách thức blockchain vận hành, bạn đọc có thể quan sát hình ảnh dưới đây:
Quy trình hoạt động của blockchain. Nguồn: emarsys.com
*Cách hoạt động của blockchain:
1/ A muốn chuyển tiền cho B.
2/ Giao dịch này được hiển thị online (trên Internet) dưới dạng một "khối dữ liệu" (tiếng Anh là block).
3/ Thông tin của khối dữ liệu này được truyền phát đi cho tất cả người dùng trong mạng lưới giao dịch.
4/ Tất cả những người dùng này cần phải duyệt giao dịch trên.
5/ Sau khi được duyệt, khối dữ liệu này (block) sẽ được thêm vào chuỗi dữ liệu giao dịch (chain) - chính là ghi nhận về vụ giao dịch. Ghi nhận này không bao giờ có thể bị xóa đi, và có thể được truy cập bởi tất cả mọi người trong mạng lưới.
6/ Sau đó tiền sẽ được chuyển từ A sang B.
Blockchain và ứng dụng trong marketing
Vậy blockchain có những ảnh hưởng cụ thể như thế nào đến lĩnh vực marketing đương đại, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu nhé!
1/ Tiết kiệm chi phí giao dịch
Một trong những yếu tố khiến blockchain có thể giúp giảm thiểu sự hao hụt chi phí giao dịch là vì hệ thống này có thể giúp đẩy nhanh tốc độ của các giao dịch. Khi quá trình giao dịch được thực hiện một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn, các chi phí cũng sẽ giảm thiểu đi.
Mặt khác, nhờ vào đặc tính "cởi mở thông tin" của blockchain, hệ thống này có thể giúp quá trình giao dịch được diễn ra mà không cần thông qua bất cứ khâu trung gian nào giữa bên mua và bên bán. Việc cởi bỏ bớt những khâu trung gian này cũng sẽ giúp các thương hiệu có thể tương tác trực tiếp với khách hàng và nâng cao tính hiệu quả của marketing.
Nguồn: Innovation Village
2/ Cải thiện hình ảnh thương hiệu trong mắt khách hàng
Khi áp dụng hệ thống blockchain, các công ty có cơ hội tạo ra được một hình ảnh tích cực hơn trong mắt khách hàng: các thông tin cá nhân của các khách hàng sẽ không thể nào được truy cập và phát hiện mà không có sự cho phép từ khách hàng.
Đặc biệt là trong thời đại thương mại điện tử ngày nay, khi mà vấn đề rò rỉ thông tin cá nhân ngày càng trở thành một vấn đề nghiêm trọng, những công ty nào có thể bảo đảm sự an toàn về mặt thông tin cho khách hàng sẽ gặt hái được thắng lợi trong khía cạnh marketing.
3/ Tiếp cận các đối tượng hiệu quả hơn
Đặc tính "cởi mở thông tin" của blockchain cũng giúp các công ty và thương hiệu tìm kiếm và tiếp cận các đối tượng một cách hiệu quả và nhanh chóng hơn. Lợi ích này của blockchain được thể hiện rõ ràng nhất có lẽ là trong khía cạnh quan hệ giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B).
Blockchain giúp bảo đảm một môi trường hợp tác hiệu quả và hài hòa giữa các thương hiệu, vì giờ đây, không thương hiệu nào có thể chiếm ưu thế hơn thương hiệu nào khác trong mạng lưới. Sự công bằng này có thể giúp bảo đảm các chiến dịch marketing liên thương hiệu (cross-promotional marketing) được thực hiện với hiệu quả cao hơn.
Nguồn: Well Done Marketing
4/ Thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp sáng tạo
Nhờ vào đặc tính liên kết của blockchain, hệ thống này có thể giúp thay đổi vĩnh viễn ngành công nghiệp sáng tạo, đặc biệt là trong không gian online. Các nghệ sĩ sử dụng các nền tảng mạng xã hội để quảng bá tên tuổi của mình thường phải chia sẻ lợi nhuận với các công ty kinh doanh nền tảng, những ví dụ điển hình là YouTube và Spotify. Giờ đây, với công nghệ blockchain, những "nghệ sĩ online" này có thể đưa thương hiệu cá nhân của họ trực tiếp đến với khán giả.
5/ Những phát minh trong tương lai đến từ blockchain
Trước khi các iPhone ra đời, các loại hình marketing dựa trên định vị người dùng là hoàn toàn không tồn tại và không ai có thể tưởng tượng ra được một ngày khi mà gần như toàn bộ các công ty, thương hiệu đều sử dụng hình thức marketing đó, như hiện nay.
Các nhà nghiên cứu về công nghệ nói chung và blockchain nói riêng cho biết, mỗi một phát minh mới trong lĩnh vực công nghệ luôn mang trong nó những cơ hội và rủi ro mới đến mức chúng ta chưa thể tưởng tượng đến được. Điều tương tự cũng sẽ xảy ra khi công nghệ blockchain dần được áp dụng rộng rãi trong nền kinh tế của chúng ta.
Các ca sĩ trên nền tảng YouTube. Nguồn: YouTube
Lời kết
Blockchain quả thực là một loại hình công nghệ có tính đột phá cao. Dù cho các ứng dụng của blockchain hiện tại vẫn còn hạn chế, nhưng sự ảnh hưởng của nó đến nền kinh tế trong tương lai gần như là một điều chắc chắn sẽ xảy ra. Có lẽ, nhiệm vụ của mỗi công ty và thương hiệu là nắm bắt được đường hướng phát triển của công nghệ này, để có thể ứng dụng nó theo những cách hiệu quả nhất.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét