Phật Giáo
Phật Giáo (Buddhism) là một hệ thống tư tưởng có sức lan tỏa mạnh mẽ, không chỉ trong quá khứ mà ảnh hưởng của nó vẫn còn hiện diện rất rõ rệt trong thời đại ngày nay. Một dẫn chứng là làn sóng Phật Giáo ở các nước phương Tây đang được hưởng ứng bởi đông đảo cộng đồng. Vào thời điểm khi mới được du nhập vào Trung Quốc, Phật Giáo đã gây ra ảnh hưởng vô cùng sâu sắc, giúp định hình toàn bộ hệ thống văn hóa và tư tưởng của đất nước này.
Đức Phật khi còn nhỏ. Nguồn: Phật Giáo Việt Nam
Phật Giáo vốn có xuất xứ từ Ấn Độ, tuy một vài nguồn đã ghi nhận rằng khởi điểm của nó thực chất là ở Nepal (quốc gia nho nhỏ nằm giữa Trung Quốc và Ấn Độ). Theo ghi chép, Đức Thích Ca Mâu Ni, tên thật là Tất Đạt Đa (Siddhartha), là thái tử của gia tộc Thích Ca - một gia tộc chiến binh giàu có, vào năm 29 tuổi đã quyết định từ bỏ cuộc sống gia đình cùng cảnh giàu sang phú quý để bắt đầu hành trình ngộ đạo. Ngài đã chu du khắp nơi, từ dãy Himalaya đến tận sông Hằng. Sau rất nhiều hành trình gian khó, cuối cùng Ngài đã đắc pháp và tại dưới gốc cây Bồ Đề, Ngài đã ngộ ra những chân lý mà đã trở thành những học thuyết Phật Giáo ngày nay.
Đức Phật giảng đạo dưới cây Bồ Đề. Nguồn: Phật Giáo Thanh Hóa
Về cơ bản, Phật Giáo có 2 giáo lý quan trọng nhất, là Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo. Tứ Diệu Đế là 4 sự thật mà Đức Phật đã ngộ ra về kiếp sống nhân sinh nơi trần thế:
1/ Khổ Đế: đời là bể khổ, con người suốt một kiếp sống phải trải qua những giai đoạn sinh, lão, bệnh, tử đầy đau khổ và thăng trầm.
2/ Tập Đế: sở dĩ con người gặp khổ nạn là do trong lòng có chứa những tham, sân, si, và do chưa ngộ đạo.
3/ Diệt Đế: con người có thể tự mình chấm dứt mọi khổ nạn.
4/ Đạo Đế: để có thể chấm dứt mọi khổ nạn, con người cần phải bước trên con đường Trung đạo (Middle Way), còn gọi là Bát Chánh Đạo.
Biểu tượng Bát Chánh Đạo của Phật Giáo. Nguồn: dumielauxepices.net
Nội dung Bát Chánh Đạo:
1/ Chánh Kiến: có tri thức, hiểu biết.
2/ Chánh Tư Duy: suy nghĩ trong sáng, chân chính.
3/ Chánh Ngữ: nói lời đúng đắn, không nói dối, không ác khẩu.
4/ Chánh Nghiệp: làm việc thiện, không làm việc ác.
5/ Chánh Mạng: tôn trọng sinh mạng của tất cả các chúng sinh.
6/ Chánh Tinh Tấn: nỗ lực liên tục chống lại những thói quen suy nghĩ, nói năng, hành động không tốt.
7/ Chánh Niệm: chú tâm vào phút giây hiện tại.
8/ Chánh Định: luôn giữ cho tâm được an tịnh.
Ngoài ra, Phật Giáo còn được biết đến nhiều nhất thông qua 2 học thuyết là nghiệp quả (Karma) và đầu thai chuyển kiếp (Reincarnation). Theo một số nguồn, học thuyết đầu thai chuyển kiếp thực chất xuất phát từ Bà La Môn Giáo, còn gọi là Ấn Độ Giáo, đã hình thành được 1000 năm trước khi Phật Giáo ra đời.
Lời kết
Như vậy, tuy Nho Giáo, Đạo Giáo và Phật Giáo đều chú trọng truyền dạy những đạo lý cao đẹp như đức tính trung thực, nhân hậu, lối sống hòa hợp với thiên nhiên...giữa 3 hệ tư tưởng này cũng tồn tại một số điểm khác biệt quan trọng.
Trong khi Đạo Giáo khuyến khích con người "vô vi", tức chủ trương không hành động, không can thiệp và xem nhẹ mọi sự trong đời; thì trong mắt các Nho gia, lối sống ẩn cư như vậy sẽ không giúp cống hiến được nhiều lợi ích cho xã hội - vốn là trọng tâm của Nho Giáo; còn Phật Giáo lại chú trọng vào vấn đề buông bỏ và giải thoát con người khỏi những xiềng xích thế tục.
Khi đem so sánh giáo lý của 3 hệ tư tưởng với nhau, chúng ta cũng có thể dễ dàng nhận thấy rằng những triết lý của Đạo Giáo tương đối trừu tượng, trong khi những triết lý của Nho Giáo và Phật Giáo có phần cụ thể và thực tế hơn.
Đạo của Nước được thể hiện qua biểu tượng âm dương của Đạo Giáo. Nguồn: Pinterest
Một ví dụ tiêu biểu về tính trừu tượng của Đạo Giáo là bài học về đạo của Nước: "Nước là gần với đạo nhất, Nước đem lại lợi ích cho vạn vật nhưng luôn chảy về những nơi thấp nhất, Nước mềm mại nhất nhưng xói mòn tất cả". Ở đây Lão Tử muốn khuyến khích người học hãy trở nên khiêm nhường và rũ bỏ tính tham lam và tâm tranh đấu, hãy đứng đằng sau mọi người, nhưng làm những điều tốt nhất cho mọi người, như thế thì chúng ta sẽ đạt được đến cảnh giới của Đạo.
Chúng ta cũng có thể thấy rằng, trong 3 hệ tư tưởng này, Phật Giáo và Đạo Giáo có hệ thống học thuyết và quan điểm tương đối giống nhau, ở chỗ khuyến khích người học từ bỏ các chấp trước thế tục, trong khi Nho Giáo có phần cứng nhắc và kém linh hoạt hơn. Thế nên người ta nói rằng Nho Giáo sáng như ánh sao - Đạo Giáo sáng như ánh trăng - Phật Giáo sáng như ánh Mặt Trời là vậy.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét