Cách mạng công nghiệp 4.0 đang dần định hướng thế giới của chúng ta đến với sự bùng nổ của Trí tuệ Nhân tạo (Artificial Intelligence, viết tắt AI), hệt như sự bùng nổ thông tin vào thời kì Internet mới hình thành. Sự phát triển nhanh chóng của AI tất nhiên khiến cho rất nhiều người quan tâm và lo lắng: họ e sợ một ngày nào đó, thế giới của con người sẽ bị robot thôn tính hoàn toàn.

Đứng trước nguy cơ mang tính tồn vong này, một trong những bộ óc vĩ đại nhất trong giới khoa học-công nghệ hiện nay, Elon Musk, người sáng lập SpaceX, PayPal và đồng sáng lập Tesla Motors, đã đưa ra giải pháp mà ông nghĩ là sẽ giúp toàn bộ nhân loại thoát khỏi nguy cơ này.

Nguồn: indigorevolution.nl

Giải pháp của Elon Musk

Vào tháng 7/2016, Elon Musk thành lập Neuralink, công ty chuyên nghiên cứu, chế tạo và sản xuất những thiết bị được gọi là giao diện não-máy tính cấy ghép (brain-machine interface). Những thiết bị này có công dụng biến bộ não của con người trở nên giống như một bộ xử lý trung tâm (CPU) của máy tính, với khả năng xử lý chính xác thông tin và dữ liệu đạt hiệu suất cao hơn nhiều so với bộ não sinh học vốn có của con người.

Lập luận của Elon Musk là, nếu chúng ta thực sự không thể đánh bại và kiểm soát robot và AI, thì chúng ta cần phải trở nên mạnh mẽ và "thông minh" hơn cả chúng, bằng cách sử dụng những thiết bị cấy ghép của Neuralink, và trở thành những "người máy" (cyborg). Theo ông Musk, các giao diện cấy ghép này thậm chí còn có thể kéo dài sự sống của một người sau khi cơ thể sinh học của người đó ngừng hoạt động.

"Giải pháp hợp nhất với các AI có vẻ là tối ưu nhất. Nếu chúng ta không thể chiến thắng chúng (các AI), thì hãy hợp nhất với chúng." _ Elon Musk tự tin trả lời khi được hỏi về hiệu quả của giải pháp giao diện cấy ghép. Nhưng liệu ông Musk có thực sự nhìn thấu đáo được toàn bộ vấn đề?

Nguồn: YouTube

Tại sao giao diện não-máy tính cấy ghép không phải là câu trả lời?

Nguy cơ tiềm tàng của giải pháp giao diện não-máy tính đến từ chính khả năng có thể dễ dàng và nhanh chóng kết nối lẫn nhau của các thiết bị điện tử công nghệ cao. Với các hệ thống như Internet, wifi, dữ liệu lớn (big data), v.v...các thiết bị điện tử công nghệ cao (máy vi tính, iPhone, iPad...) giờ đây có thể hoạt động một cách tương hợp và đồng nhất với nhau (synchronize), mọi nơi, mọi lúc. Khi thông tin và dữ liệu trên một thiết bị bị xóa hoặc thay đổi, dữ liệu trên toàn bộ các thiết bị khác có kết nối với nó cũng sẽ bị thay đổi theo.

Bây giờ, hãy đặt trường hợp, thay vì những thiết bị điện tử, chúng ta kết nối não bộ của những con người khác nhau, thông qua các giao diện cấy ghép của Neuralink. Giờ đây, trong vai trò của những CPU sinh học, não bộ của những người khác nhau cũng có thể hoạt động một cách tương hợp và đồng nhất. Như vậy, chuyện gì sẽ xảy ra nếu thông tin và dữ liệu trong não bộ của một cá nhân bị ảnh hưởng!? Ồ, tất nhiên là toàn bộ các não bộ khác trong hệ thống kết nối này cũng sẽ bị ảnh hưởng theo.

Vậy còn các hackers thì sao? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu một nhóm các hackers biết cách hack vào những giao diện cấy ghép này và bằng cách đó thao túng và điều khiển cả một mạng lưới khổng lồ những não bộ khác nhau, của những con người khác nhau sống trên toàn thế giới, cùng một lúc!? Hệ quả thật đúng là không thể nào đo đếm được.

Nguồn: lifeboat.com

Giải pháp nào cho sự bùng nổ AI?

Có lẽ, một trong những thực tại trớ trêu nhất của công nghệ chính là tính lưỡng cực đến mức độ cực đoan của nó. Công nghệ giúp đời sống của chúng ta trở nên tiện lợi và dễ dàng hơn, nhưng chính vì sự tiện lợi đó mà càng lúc chúng ta càng lệ thuộc vào nó. Công nghệ giúp chúng ta trở nên kết nối hơn bao giờ hết, nhưng cùng lúc đó chúng ta cũng đang dần mất đi sự tự chủ của mình.

Vậy thì, giải pháp có phải là tuyệt đối tránh xa công nghệ và AI? Có lẽ cũng không phải. Bởi lẽ, chính nhờ sự phát triển của khoa học-công nghệ và đặc biệt là sự ra đời của Internet mà con người chúng ta ngày càng trở nên có nhận thức hơn về những gì đang diễn ra xung quanh mình, bao gồm cả vấn đề AI. Giải pháp thực sự có lẽ nằm ở khả năng tự nghiên cứu, chiêm nghiệm và tự ý thức của người sử dụng công nghệ vậy.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Gia Đại Ka © 2017. All Rights Reserved. Powered by GiaDaiKa